Văn hóa Tây Bắc Việt Nam: Sắc màu văn hóa đậm chất dân tộc

Tây Bắc luôn là một vùng đất được mệnh danh với những cụm từ như thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đa dạng và văn hóa sống động. Tuy nhiên, nơi đây cũng có những sự thật thú vị mà đôi khi những người đã từng đến vùng đất này cũng không biết. Hãy cùng điểm xem còn gì bạn chưa biết về văn hóa Tây Bắc nhé!

1. Tây Bắc gồm những tỉnh nào?

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Đây là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Mường Lay, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái.

Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn dài đến 180km, rộng 30km, cao từ 1500m trở lên, các đỉnh cao nhất như Phanxipăng 3142m, Yam Phình 3096m, Pù Luông 2.983m. Dãy Hoàng Liên Sơn, được người Thái gọi là “sừng trời” (Khau phạ), chính là bức tường thành phía đông và vùng Tây Bắc.

Vùng Tây Bắc có hai con sông lớn, đó là sông Đà (tên Thái là Nặm Tè) và sông Thao (tức sông Hồng), thượng nguồn của sông Mã cũng nằm trên vùng đất Tây Bắc, phía Tây tỉnh Sơn La. Các con sông này không chỉ là cơ sở cho sự định cư của của các dân tộc nơi đây cũng như nền nông nghiệp trong vùng mà còn là nguồn cảm hứng cho những câu hát và truyền thuyết của các tộc người Thái, Mường…

2. Vùng văn hóa Tây Bắc

Tây Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng (lưu vực sông Đà) kéo dài tới bắc Thanh Nghệ. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú, văn hóa Tây Bắc đa dạng và độc đáo chính là sản phẩm của sự kết hợp và đan xen các bản sắc riêng của hơn hai mươi dân tộc ấy, trong đó các dân tộc Thái, H’mông, Dao có thể xem là những đại diện tiêu biểu, góp phần quan trọng hơn cả trong việc hình thành văn hóa của khu vực.

Biểu tượng cho vùng văn hóa này là hệ thống mương phai dẫn nước vào đồng, là nghệ thuật trang trí tinh tế trên chiếc khăn piêu Thái, chiếc cạp váy Mường, bộ trang phục nữ H’Mông; là âm nhạc với các loại nhạc cụ bộ hơi (khèn, sáo) và những điệu múa xòe. Và bây giờ, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu chi tiết về vùng văn hóa này từ những khía cạnh cơ bản nhất.

3. Một số món ăn đặc sản ở Tây Bắc

Người dân Tây Bắc thường thưởng thức những món ăn truyền thống của mình trong không gian và không khí cộng đồng như tại các lễ hội, tại các chợ và đặc biệt là vào ngày Tết. Khẩu vị của người Tây Bắc là thích những gì đậm đà vì vậy phần lớn các món ăn nổi bật của người vùng Tây Bắc đều mang lại cho người thưởng thức những ấn tượng rất khó quên.

Canh da trâu

Món ăn đầu tiên phải nhắc đến là đặc sản chế biến từ trâu là món canh da trâu. Da trâu sau khi giết được lột và thui sạch lông rồi gác trên gác bếp cho khô. Để chế biến món canh nấu với bon, người Thái lấy số da khô vừa đủ đốt cho cháy sùi ra, cạo sạch đến khi trông miếng da có màu vàng ươm, mùi thơm phức.

Sau khi nướng giòn tan, miếng da được bẻ thành từng miếng nhỏ bỏ vào nồi bon đun nhỏ lửa cho đến nhừ. Trước khi bắc xuống người ta thêm gia vị vào nồi canh bon này. Nồi canh bon đúng nghĩa là phải có đủ 30 loại gia vị mang hương vị núi rừng Tây Bắc trong đó gồm những gia vị dễ nhận biết như sả, cà đắng, hạt tiêu, mắc khèn. Món ăn bổ dưỡng nhưng đậm đà hương vị núi rừng này để lại cảm giác khó quên cho nhiều thực khách.

Rượu sâu chít

Khi đến Tây Bắc, bạn sẽ bỏ lỡ một trải nghiệm thú vị nếu không nếm thử loại rượu nổi tiếng mà người dân nơi đây gọi là rượu sâu chít. Đây là loại rượu phổ biến nhất trong khu vực Tây Bắc, được các dân tộc như Dao, Nùng, Tày, Thái và Giáy sử dụng.

Theo cách gọi của người dân địa phương, thức uống này còn được biết đến với cái tên Bạch trùng thảo hoặc Đông trùng hạ thảo. Hai cái tên này đều liên quan đến một loại sâu dùng để ngâm rượu. Chít là tên gọi của một loại sâu sống trong thân cây chít – loài cây mọc hoang trên các triền núi đá vôi ở miền Tây Bắc.

Bạch trùng thảo là loại sâu có màu trắng sống ký sinh trong cỏ lau. Còn Đông trùng hạ thảo là ấu trùng của loại sâu sống vào mùa đông trong nụ mầm cây chít, nhưng đến mùa hè thì chúng phát triển thành sâu và chờ thời điểm để hóa bướm, bắt đầu cho vòng đời mới.

Rượu sâu chít có vị rất đậm đà và không hề tanh. Một điểm đặc biệt của loại rượu này là nó được ngâm với rượu San Lùng, hoặc các loại rượu khác như Mường Khương, Bắc Hà, Mai Hạ, và dù uống nhiều hay ít cũng không gây nhức đầu. Hơn nữa, nếu bạn vô tình uống say, khi tỉnh dậy vẫn cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh sau giấc ngủ dài, đây chính là điều hấp dẫn bất kỳ du khách nào khi thưởng thức loại rượu này.

Chẩm chéo

Hầu như mọi bữa ăn quan trọng của người Thái đều có sự góp mặt của chẩm chéo, tương tự như muối vừng của người Kinh. Đây là một loại gia vị hấp dẫn làm từ quả mắc khén sau khi được thu hoạch, rang trong chảo cho nóng lên. Sau đó, nguyên liệu này sẽ được giã thành bột mịn. Tuy nhiên, để tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng, thường được dùng với xôi nếp nương, còn cần phải trải qua nhiều bước khác.

Công đoạn tiếp theo là sử dụng ớt khô đã bỏ hạt và được nướng giòn, muối rang, cùng với rau mùi tây cắt nhỏ cũng được rang khô, tất cả sẽ được giã thành bột mịn. Khi trộn đều hỗn hợp này, ta sẽ có chẩm chéo, một loại bột có mùi thơm đậm đà nhưng lại nhẹ nhàng như vị ô mai, mang theo hương vị của núi rừng, với mùi cay nồng như hồi và quế.

4. Trang phục truyền thống của người Tây Bắc

Đối với đồng bào Tây Bắc, trang phục truyền thống của họ rất quan trọng để thể hiện bản sắc dân tộc. Người Thái thường mặc áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, nón và khăn, bên cạnh đó còn sử dụng các loại trang sức làm từ bông và kim loại.

Trong khi đó, trang phục của người Dao lại nổi bật hơn với những màu sắc sặc sỡ. Các hoa văn hồng, đỏ, xanh, đen hòa quyện tạo nên vẻ đẹp nổi bật. Bộ trang phục của cô gái Dao thường bao gồm áo, xà cạp, yếm và váy, và họ còn kết hợp nhiều món đồ khác để tạo sự hoàn hảo cho bộ trang phục.

Người Mông chủ yếu mặc quần áo, nhưng những bộ đồ họ tự thiết kế thường phản ánh nét đặc trưng của vùng đồi núi. Váy chàm của các cô gái được thêu những hoa văn cổ điển, tạo nên dấu ấn riêng biệt.

5. Kiến trúc nhà ở của người Tây Bắc

Văn hóa dân tộc Tây Bắc được thể hiện rõ nét qua kiến trúc nhà ở của các cộng đồng trong khu vực. Mỗi dân tộc có cách xây dựng riêng, tạo nên đặc trưng riêng biệt cho vùng Tây Bắc.

Người Thái thường thiết kế nhà sàn theo nguyên tắc “Hướng hạn phủ táy”. Các ngôi nhà sàn của họ thể hiện sự khéo léo và tính hài hòa giữa không gian sống với thiên nhiên và con người. Những ngôi nhà này thường có số gian lẻ và có hình dáng giống như mái rùa ở hai đầu.

Người Dao lại có phong cách xây dựng khác với những công trình nửa trệt nửa sàn rất đa dạng. Kiểu nhà truyền thống của người Dao thường được thiết kế với ba gian, nối kết lại với nhau bằng các vật liệu đơn giản, dễ tìm.

Người Mông thì xây dựng nhà trệt, không có gác lửng. Nhà của họ thường gồm ba gian với cấu trúc vững chắc, chủ yếu làm từ gỗ. Gian giữa thường được dùng để thờ cúng tổ tiên, gian ngoài dành cho nam giới sinh hoạt, còn gian trong là nơi chế biến thức ăn.

Dù là xây dựng theo kiểu dáng nào, mỗi loại kiến trúc đều phản ánh một cách rõ rệt văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Vậy là Meditours đã cùng các bạn tìm hiểu những sự thật ít người để ý về vùng văn hóa Tây Bắc, Việt Nam, hi vọng bài viết này đã giúp bạn phần nào hiểu hơn về nền văn hóa này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *