Từng quãng đường đi trên hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng đều là một trải nghiệm khó quên. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng hoang sơ và sự ấm áp của người dân đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai. Bài viết này của Meditours sẽ chia sẻ chi tiết hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng cho người mới đi lần đầu.
Đôi nét về Tà Năng Phan Dũng
Tà Năng và Phan Dũng là hai địa danh nằm ở hai tỉnh khác nhau. Tà Năng thuộc xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Còn Phan Dũng tọa lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Để hoàn thành cung đường trekking này, bạn sẽ phải băng qua địa phận của cả ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Với tổng chiều dài khoảng 55km, hành trình khám phá Tà Năng – Phan Dũng thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày.
Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng là một trong những hành trình chinh phục thiên nhiên đầy thử thách và hấp dẫn bậc nhất tại Việt Nam. Nơi đây được mệnh danh là “Đường lên đỉnh mây” với những khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ và vô cùng thơ mộng. Cung đường này không chỉ thu hút những người yêu thích khám phá mà còn là địa điểm lý tưởng để bạn trải nghiệm cảm giác chinh phục bản thân và hòa mình vào thiên nhiên.
Tà Năng Phan Dũng cao bao nhiêu?
Cung Tà Năng Phan Dũng thực tế không nằm ở độ cao quá lớn, với mức cao nhất chỉ đạt 1701m so với mực nước biển. Độ cao này tương đối khiêm tốn nếu so sánh với những đỉnh núi ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà nhiều ngọn núi thường có độ cao gần chạm đến 3000m.
Tuy nhiên, điều thu hút du khách đến với Tà Năng Phan Dũng không phải là độ cao của ngọn núi mà chính là vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ ven đường, bao gồm cả khu rừng nguyên sinh Tà Năng Phan Dũng với cảnh sắc hoang sơ và hùng vĩ.
Cách di chuyển đến Tà Năng Phan Dũng
Để đến được Tà Năng Phan Dũng, du khách phải di chuyển tương đối vất vả. Trước tiên, bạn cần đặt xe từ Hồ Chí Minh đến Đà Lạt. Thông thường, du khách sẽ chọn chuyến xe tối từ 9 giờ đến 10 giờ và sẽ đến Đà Lạt vào sáng hôm sau. Sau khi tới Đà Lạt, bạn sẽ di chuyển đến Đức Trọng, rồi đến Tà Hine (hồ Đại Ninh, Đức Trọng, Lâm Đồng). Tại đây, bạn có thể chọn một trong hai phương tiện di chuyển là xe ôm hoặc đi bộ để đến Tà Năng Phan Dũng.
Thời tiết Tà Năng Phan Dũng thế nào?
Vì có vị trí nằm trên địa phận 3 tỉnh và cung đường trekking khá dài nên khí hậu nơi đây có sự phân hoá rõ rệt khi du khách đi càng sâu vào rừng. Thời tiết khi vực Tà Năng Phan dũng cũng được chia thành 2 mùa như các tỉnh miền nam là mùa mưa và mùa khô hay còn gọi là mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11 hoặc 12 và mùa khô là thời gian còn lại.
Mùa cỏ xanh – Mùa mưa (tháng 6 – 12)
Mùa cỏ xanh là thời điểm tuyệt đẹp khi cảnh vật ở núi rừng Tà Năng trở nên vô cùng tươi mát với sắc xanh của cỏ cây và bầu trời trong trẻo, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, du khách cần lưu ý rằng vào mùa mưa, nếu không có kinh nghiệm, họ có thể gặp phải những sự cố bất ngờ như lũ quét.
Những dòng nước từ các con suối có khả năng dâng cao một cách đột ngột, gây nguy hiểm cho người đi đường và làm ảnh hưởng đến chuyến hành trình khám phá. Do đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và hiểu rõ tình hình thời tiết trước khi đến đây là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Mùa cỏ cháy – Mùa khô (tháng 1 – 5)
Mùa cỏ cháy là thời điểm mà nhiệt độ ở Tà Năng khá nóng, cây cối ở đây bớt xanh hơn, những cánh đồng cỏ chuyển màu sậm dần, cây cối trở nên trơ trụi, khác hẳn với khung cảnh đầy sức sống của mùa mưa. Tuy nhiên, vào mùa khô, thời tiết ở Tà Năng khá khắc nghiệt nên trekker sẽ dễ bị mất sức do mệt, thiếu nước khi đến đây.
Nên du Lịch Tà Năng Phan Dũng vào mùa nào?
Thực tế, mỗi mùa trong năm đều mang đến những nét đẹp độc đáo và cuốn hút riêng biệt. Nếu bạn yêu thích không khí trong sạch, mát mẻ của thiên nhiên, mùa hoa cỏ sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Đó là lúc các loài hoa đua nở, tạo nên một bức tranh sống động và đầy màu sắc.
Tuy nhiên, nếu bạn lại là người say mê vẻ đẹp lãng mạn, huyền bí thì mùa cỏ cháy chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Mùa này, cỏ khô vàng rộ lên, tạo ra một khung cảnh thật thơ mộng và tràn đầy cảm xúc.
Những câu chuyện tâm linh bí ẩn tại Tà Năng Phan Dũng
Có lẽ một điều mà du khách hứng thú muốn đến Tà Năng hơn đó là những câu chuyện tâm linh về ma rừng. Hay đặc biệt, thời gian gần đây bộ phim Tà Năng Phan Dũng – Rừng Thế Mạng được công chiếu. Từ bộ phim này, người ta biết nhiều đến câu nói “Ma Bình Thuận, cọp Khánh Hoà” cũng như rừng Tà Năng.
Câu chuyện về Thần Rừng Tà Năng
Không phải tự nhiên mà ông cha ta có câu “Đất có thổ công, sông có Hà Bá”. Rừng Tà Năng Phan Dũng cũng vậy, người dân bản địa luôn cho rằng thân rừng là người cai quản, bảo vệ khu rừng Tà Năng. Vì vậy, khi một người lạ đến với khu rừng đều cần phải xin phép, cung kính và tôn trọng thần rừng nếu không sẽ bị thần trách phạt. Đến rừng Tà Năng, bạn cần chú ý thái độ, lời nói, không nên nói những câu phạm vào rừng hay phóng uế lung tung, bẻ cành bừa bãi. Hãy tôn trọng rừng và cảnh vật bên đường.
Nếu vô tình phạm phải những điều cấm kỵ ở rừng, bạn hãy thành tâm nhận lỗi bằng cách quỳ gối khấn với thần Rừng để tạ tội. Thông thường, du khách khi đến đây thường đem theo nhang và rượu trắng để khấn với thần Rừng. Trước khi ăn hay ngủ lại qua đêm cũng rót rượu đến mời thần và xin phép thần che chở cho cả đoàn khỏi sương sa, muông thú và giúp đỡ, chỉ đường để đoàn có một chuyến đi an lành và yên ổn.
Truyền thuyết mỗi năm rừng Tà Năng lấy 1 mạng người
Hầu hết các porter lâu năm hay người dân tại Tà Năng đều tin vào câu chuyện tâm linh này ở Tà Năng. Không biết là thật hay trung hợp nhưng từ năm 2016 đến năm 2018, mỗi năm, rừng Tà Năng lại có ít nhất một người thiệt mạng.
Cụ thể, ngày 30 tháng 4 năm 2016 rừng Tà Năng có một du khách quê Vũng Tàu tử nạn tại dốc Long Bích, năm 2017, một nữ du khách bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối ở thách Giao Ly và năm 2018, người ta tìm thấy một thi thể của một người đàn ông đã mất tích 8 ngày tại núi Công Chúa.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, khi đến Tà Năng, bạn cũng nên chú ý các điều cấm kỵ tại đây và tránh đi Tà Năng từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch hàng năm bởi theo thống kê, đây là thời điểm mà có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra nhất tại Tà Năng Phan Dũng. Nếu đi, bạn nên đi theo đoàn chuyên nghiệp có hướng dẫn viên có kinh nghiệm đi cung này.
Những câu chuyện rùng rợn khác
Bên cạnh câu chuyện về Thần Rừng và “rừng thế mạng”, Tà Năng Phan Dũng còn mang theo một số câu chuyện rùng rợn do người dân kể lại như “Ma dắt hồn”. Ma nữ sẽ dẫn hồn người đi thông qua ảo ảnh, biến thành người thân hay bạn đồng hành trong chuyến đi của bạn hay người đi trekking sẽ bị che mắt bởi ảo ảnh là bạn mình đang đi phía trước nhưng thực ra là bị ma dẫn theo hướng khác.
Người dân địa phương cũng có kể lại, nếu du khách nhìn thấy dải khăn trắng hay nắp chai đỏ, hãy yên lặng đi qua, tuyệt đối không được nhặt hay đi theo nó, bởi nhiều người đi lạc lại cho rằng đây là tín hiệu mà người đi trước đã để lại để mình đi đúng hướng nhưng thực tế điều này sẽ làm mình càng khó tìm đường ra hơn.
Những câu chuyện tâm linh ở Tà Năng Phan Dũng đều là những câu chuyện truyền miệng chưa được xác thực nhưng những câu chuyện này đã làm cho rừng Tà Năng thêm phần bí ẩn thu hút ngày càng nhiều những người yêu thích các hoạt động ngoài trời đến khám phá.
Những lưu ý khi trekking Tà Năng Phan Dũng
Nghiên cứu địa hình rừng Tà Năng trước khi quyết định đi tự túc hay theo tour là điều đầu tiên mà du khách cần nhớ. Bạn có thể nghiên cứu địa hình qua Google Map, tiếp đến là tìm hiểu về kinh nghiệp, tips của những người đã tham gia trekking tại đây. Họ sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm, lưu ý và câu chuyện thú vị về hành trình mà họ đã đi, điều này có thể giúp bạn lên một lịch trình chinh phục Tà Năng Phan Dũng hoàn hảo hơn.
Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không tách đoàn. Khi tham gia trekking rừng Tà Năng hay bất cứ ngọn núi nào, bạn cần chú ý tuyệt đối không tự ý tách đoàn, đặc biệt là ở các ngã rẽ. “Rừng thiêng, nước độc”, một mình lạc ở rừng thực sự rất nguy hiểm cho bạn.
Tuyệt đối không đi suối, thác nếu chưa có kinh nghiệm, kỹ năng. Nếu cần lội suối, bạn nên nghe hướng dẫn của hướng dẫn viên trước khi lội. Vì mặt nước có thể trông rất yên bình khi bạn đứng trên bờ nhưng khi bạn lội xuống có thể phạm phải nơi có đá trơn, vùng đất sụt lún. Đặc biệt là vào mùa mưa, nước chảy xiết rất nguy hiểm.
Tà Năng Phan Dũng là điểm đến chưa được khai thác du lịch nhiều nên còn giữ trong mình những vẻ đẹp hoang sơ và nhiều câu chuyện hấp dẫn. Nếu có thể, bạn hãy đến nơi đây cả mùa cỏ xanh và mùa cỏ úa để cảm nhận rõ hơn những vẻ đẹp của nơi đây trên hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng nhé!